NGHI THỨC CẮT BÁNH CƯỚI
Trong những đám cưới ngày nay, hầu hết tất cả các cô dâu chú rể đều lựa chọn cho riêng mình một chiếc bánh cưới hoặc đã đặt sẵn nhà hàng trong gói làm đám cưới. Nghi thức cắt bánh khá đơn giản, khi cô dâu cùng chú rể nắm tay nhau và dùng dao cắt dọc chiếc bánh. Điều này mang ý nghĩa là hai người sẽ cùng chung tay, chung sức làm mọi việc bắt đầu từ giây phút này, khi họ chính thức trở thành vợ chồng.
Đa số bánh cưới ít được sử dụng đến sau nghi thức cắt bánh, vì vậy nếu bạn muốn thay đổi một chút, bạn có thể gợi ý cặp cô dâu chú rể cùng nhau ăn miếng bánh đầu tiên. Đây cũng là một điều khá thú vị thể hiện rằng từ nay về sau, hai người sẽ luôn luôn sẻ chia những ngọt bùi đắng cay của cuộc đời.
Nếu như bạn không thích cắt hay ăn bánh, bạn có thể thắp những chiếc nến giống như bữa tiệc sinh nhật. Ánh sáng lung linh của nến trên chiếc bánh tượng trưng cho tình yêu đang chắp cánh soi đường hạnh phúc của cặp vợ chồng.
NGHI THỨC RÓT RƯỢU SÂM BANH
Sau khi cắt bánh cưới, cặp cô dâu chú rể sẽ tiếp tục nghi thức là rót rượu sâm banh. Chú rể là người mở nắp chai rượu rồi hai người cũng nhau đổ vào tháp ly được xếp sẵn. Với mong muốn hạnh phúc sẽ tràn đầy, những dòng rượu sâm banh màu đỏ rực rỡ càng thể hiện thêm tình yêu nồng ấm của đôi vợ chồng mới cưới.
Một nghi thức khá đặc biệt khác cũng có thể thay thế nghi thức rót rượu này đó là dùng cát. Cần chuẩn bị hai bình cát màu khác nhau và một chiếc lọ khác thật lớn. Chú rể cầm một bình cát, cô dâu cầm bình cát còn lại và rót vào chiếc lọ trống để hai dòng cát khác màu hòa quyện vào nhau. Điều này còn khá mới mẻ trong các đám cưới tại Việt Nam ta, nó thường phổ biến ở Anh và các nước châu Âu.
Bánh cưới và rượu sâm banh, màn bắn pháo điện đều đã trở thành nghi thức quen thuộc trong mỗi đám cưới của người Việt. Mỗi nghi thức đều mang một ý nghĩa riêng nhưng nói chung đều hàm ý chúc phúc cho cặp cô dâu chú rể. Đó là ý nghĩa về tình yêu, sự chung thủy, và sự ấm áp của gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét